Một kỷ niệm về Cha Giám Đốc


 Nguyễn Phúc       



Ngày ấy, tôi là một học sinh lớp tư, trường tiểu học Minh Đức, trường xây bên kia đường Lê Lợi, bên này đường là nhà thờ Mông Triệu Thăng Thiên.

Đám học trò nhỏ, ngày thường đi học, chủ nhật đứa nào có đạo thì đi lễ, có một thời gian, thánh lễ trẻ em được dâng ở gian nhà ngang của trường tiểu học, buổi chiều khoảng 2 giờ là giờ giáo lý, học bên Hội Quán nhà xứ, và 3 gian nhà nhỏ, lúc ấy tôi đang học lớp giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu, thường thì tụi tôi đến sớm hơn giờ học, chẳng phải siêng năng gì cho lắm nhưng là được cái sân rộng của nhà thờ và khu nhà xứ, tha hồ chơi, rượt bắt, đá banh, trốn tìm, bọn con gái thì nhảy dây, chơi ô quan, chơi thẻ…

Giờ chơi gần kết thúc, mỏi mệt vì chơi những trò vận động, đứa nào đứa nấy mồ hôi nhể nhại, tranh thủ chạy lên sàn gác sau lưng nhà cha xứ, nhà xứ khi ấy là nhà sàn, kiểu nhà của người dân tộc, nhưng sàn thì thấp hơn, cũng đủ cho chúng tôi chui vào sàn đùa nghịch, nhặt nhạnh nhứng thứ vụn vặt như kẹp giấy, tiền xu, rơi xuống từ khe sàn, lẫn trong bụi cát, Cha xứ là người sáng lập ra trường tiểu học Minh Đức của chúng tôi, xây trên đất của giáo xứ; ở đó có một vòi nước cha dùng vệ sinh buổi sáng, cứ nhào lên vặn vòi mà uống, nhà xứ không có bơm điện như ngày nay, nước được bơm lên “sa-tô-đô” bằng cái bơm lắc tay như mấy chỗ bán xăng lẻ ngày nay,

Tôi đến sau cùng, yên tâm như mọi bạn khác, thong thả vặn “rô-bi-nê” cho nước chảy rồi vốc tay mà uống, rửa mặt mũi xong, khóa lại thì than ôi, cái vòi nước trở chứng, nó không khóa lại được nữa, tôi hoảng quá, để yên như thế nước sẽ chảy hết, mà khóa lại thì không được, tôi loay hoay vặn trái rồi vặn phải, bụm, bịt, không thể nào được cả, hốt hoảng, đổ mồ hôi trở lại, tôi không biết phải làm sao, thì lúc ấy, bà giúp việc, nấu cơm nước cho cha xứ xuất hiện, có lẽ tôi nhớ không lầm tên là bà Nga, bà chỉ hứ lên một tiếng rồi nắm lấy lỗ tai tôi, miệng tru tréo “ ái chà mày phá hư cái rô-bi-nê …giờ làm sao đây, …con nhà ai mà phá thế này hỡi giời…” vừa la mắng vừa nhấc dần lỗ tai tôi lên, đau quá tôi chẳng biết phải làm gì, chỉ khóc thét lên, tôi van xin bà và nói nhiều đứa vặn vòi nước chứ không phải mình tôi, bà chỉ nói “tao bắt tận tay mày đây còn cãi gì nữa…” quả thực nhiều đứa vặn mở rồi đóng lại chẳng sao cả, mà sao tới phiên tôi nó lại bị thế này, tôi chắc chắn là trước đó nó vẫn tốt, mà tôi mở cũng đúng cách chứ có sai cách đâu, vì tôi cũng đã dùng vòi này giải khát nhiều lần rồi mà. Bà càng lúc càng kéo lỗ tai tôi lên cao và gắt hơn, một tay tìm cách vặn vặn vòi nước, nhưng vẫn không được, đau quá tôi khóc rống lên, cái vô tư khóc của thằng bé 8 tuổi vang đến phòng cha xứ, cha ra xem chuyện gì, bà nói với cha

- thưa cha, thằng ôn này nó phá hư cái vòi “rô-bi-nê” của nhà xứ rồi cha…

Cha xứ bước lại nhìn, vặn vặn 1 lát rồi nhìn tôi, kéo tôi vào lòng và nói với bà

- à…cái này…à tôi làm hư từ sáng,…từ lâu rồi, không phải nó làm đâu…thôi bà buông nó ra.

Cha ôm tôi vào lòng, lấy khăn lau nước mắt cho tôi, vỗ về tôi, như được giải nỗi oan, tôi càng rống to, cha dắt tôi vào phòng, ôn tồn nói với tôi : cha chịu tội thay cho con rồi, con khóc làm gì nữa, lát nữa có người đến sửa ngay thôi.

Đợi cho tôi hết tức tưởi, cha nói : thôi con về phòng học giáo lý đi, con đừng lo nghĩ nữa, cha đã nhận rồi…

Cha nhận hết lỗi về phần mình, cũng có thể cái vòi ấy đã hư, hoặc tôi làm hư, chứ cha đâu có làm mà cha nhận lỗi cho tôi.

Từ hôm ấy, tôi mỗi khi nhìn thấy cha đi tới đi lui trước hiên nhà đọc sách, hoặc những buổi tôi không tham gia chơi với các bạn, ngồi bên hiên nhà xứ nghe tiếng máy đánh chữ lách cách trong phòng cha vọng ra, tôi quý cha biết mấy, một người làm gương sáng cho tôi, biết tha thứ và nhân lỗi, thủa ấy tôi học giáo lý, có giáo điều Chúa chuộc tội cho thiên hạ, tôi nghĩ cha theo gương Chúa, mà thâm tâm dự tính ngày sau, tôi cũng sẽ học theo cách của cha để sống. Với tôi, cha như một ông tiên hiền dịu, vì thế, khi cuốn Giáo Lý Diễn Ca của cha soạn ra, tôi là thằng mê mệt học thuộc lòng, và vẫn còn nhớ rất nhiều bài cho tới ngày nay, năm 2005 vừa qua, tôi có tìm ra 1 bản cũ, đánh máy rồi in lại những tập nhỏ, phát cho đám con cháu, kể cho chúng nghe về việc kể trên, khuyến khích tụi nhỏ học như tôi từng học,

Kính trọng cha, tôi mượn được cuốn Thánh Hóa Đại Cương dày mấy trăm trang của cha biên soạn, ngồi miệt mài đánh máy lại, cũng đã hoàn chỉnh, để đợi lúc nào đó sẽ in ra cho con cháu học.

Ngày cha mất, nỗi buồn vì trường trung tiểu học Minh Đức của giáo xứ, nhất là trường trung học, là tiền dùng xây dựng nhà thờ, bỏ ra đầu tư vào giáo dục trước để xây dựng nhà thờ mới sau, nay giao cho nhà nước quản lý, mà nhà thờ cũ cũng đã đập phá chưa xây lại được, lo lắng và đau ốm, giai đoạn thuốc thang hiếm hoi, cha đã không qua khỏi, một điều tiếc nuối trong đời, tôi vì công việc ở xa không về để đưa cha được 1 bước đường, bước cuối cùng ở thế gian.

Hôm nay viết mấy dòng, nhân ngày giỗ thứ 30 của cha, để tưởng nhớ vị linh mục dịu hiền in dấu mãi trong đời tôi.


Pleiku, ngày 23 tháng 05 năm 2007
Tưởng nhớ ngày giổ thứ 30 của Đức Cha
Nguyễn Phúc, Cựu Học Sinh TH Minh Đức